An toàn cho bé khi đến tuổi tập bò

Nếu bạn ở nhà tầng, cần lắp đặt chắn cầu thang ở 2 đầu cầu thang. Có thể để vài bậc thang cách mặt đất để bé rèn luyện kỹ năng.
Bắt đầu từ tháng thứ 6, bé yêu nhà bạn đã “ngọ quậy tay chân”, lẫy, lật rồi bắt đầu tập bò. Đây là giai đoạn đánh dấu việc bé bắt đầu cứng cáp dần lên, muốn tự mình làm nhiều việc cũng như tò mò, học hỏi mọi thứ xung quanh. Khi tập bò, cơ thể bé còn non nớt mà bé lại rất hiếu động nên khó tránh khỏi việc té, ngã,… Để bảo đảm an toàn cũng như giúp quá trình phát triển của bé được tốt, cha mẹ nên lưu ý môi trường xung quanh, dạy bé tập bò cũng như theo dõi sát sao sự tiến bộ của trẻ.
  1. Cất gọn dây điện và dây kéo rèm cửa sổ ngoài tầm với của bé, bọc ổ cắm điện, nhét các đồ vật có khả năng nguy hiểm vào hộp có khóa (các chất có thể gây độc, thuốc, vật sắc nhọn, dễ vỡ,...).
  2. Phân khu nguy hiểm (như nhà tắm) bằng cửa an toàn chặn bên ngoài hoặc giữ cho cửa đóng.
  3. Nếu bạn ở nhà tầng, cần lắp đặt chắn cầu thang ở 2 đầu cầu thang. Có thể để vài bậc thang cách mặt đất để bé rèn luyện kỹ năng.
  4. Cùng bò với bé. Đây là cách tốt nhất để bạn hiểu cách con bạn nhìn nhận thế giới, từ đó có thể phát hiện ra mối nguy hiểm rình rập (ngay cả khi bạn đã trang bị căn nhà rất an toàn). Bạn có thể nhận ra vật dễ khiến bé mắc nghẹn ở dưới ghế sofa hay phát hiện ra cạnh bàn sắc hơn bạn nghĩ! Bạn có thể tranh thủ vừa bò cùng bé vừa dạy bé thêm về các vật trên đường đi, việc dạy bé lặp đi lặp lại có thể khiến bé dần hiểu được đồ ăn của bạn Chó là không được cho vào mồm chẳng hạn.
  5. Kiểm tra lại sàn cho bé bò. Không thể có móng tay, xương vụn hay các vật sắc nhọn bé có thể cho vào mồm. Bạn có thể trải thảm hoặc lót sàn nhà (ngoài hàng bán nhiều loại màu sắc cho bé) để cho bé được bò trên mặt phẳng mềm mại - và giảm khả năng thâm tím đầu gối non nớt của bé.
  6. Xì tai ăn mặc: Bạn có thể thích cô công chúa của bạn diện những bộ váy lòe xòe, nhưng khi bò, những vạt váy áo vướng víu có thể sẽ khiến bé bực mình và ảnh hưởng đến tốc độ/lộ trình bò của bé. Đơn giản là cho bé mặc quần dễ chịu hoặc dùng miếng bọc bảo vệ đầu gối của bé, hoặc cho bé mặc legging nhẹ nhàng. Nếu bạn có con trai, bạn không muốn bé mặc quá thùng thình vì có thể cản trở việc bé bò.
  7. Giữ mắt đại bàng. Dù bạn có trang bị nhà cửa cẩn thận thế nào, bạn không thể lường trước được khả năng nghịch ngợm của bé. Trừ phi bé nằm trong giường cũi trẻ em hoặc trong khu vui chơi riêng được rào kín.

8. Vật dụng giúp an toàn cho bé (Những thứ này ở Tây thì rất phổ biến, ở bên mình không biết có không? Có thể nhà mình không dùng nhưng xem mấy thứ này cũng vui mắt, và giúp mình lưu ý những vị trí có khả năng nguy hiểm với bé).

Hình trên: Chắn cửa cầu thang

Ngoài ra, khi rảnh các mẹ có thể tham khảo thêm checklist chi tiết về việc giúp bé bò an toàn:

 

Trong phòng khách

  • Để quạt và lò sưởi xa khỏi tầm với của em bé. Những thứ này có thể làm đứt tay hoặc làm bỏng bé.
  • Sử dụng các thiết bị nút ổ điện để bé không bị giật (có bán rộng rãi tại các siêu thị).
  • Khóa cửa sổ để bé không ngã ra bên ngoài.
  • Tháo hoặc làm ngắn những dây kéo rèm, mành - những sợi dây thừng này có thể quấn cổ và làm bé ngạt thở.
  • Luôn xếp đồ chơi trẻ em gọn gàng để không ai trượt ngã khi vấp phải.
  • Lắp đặt của kính sao cho phù hợp với chiều cao của bé, để bé không bò hay đâm vào kính.
  • Đảm bảo các đồ gỗ vững chắc để không đè lên người bé.

Trong nhà bếp

  • Để đồ rửa bát xa tầm với của bé - đừng để chúng ở dưới bồn rửa.
  • Sử dụng các thiết bị nút ổ điện để bé không bị giật.
  • Che phủ các thiết bị đun nấu (lò sấy, bếp). Xoay tay cầm của nồi niêu vào phía trong tường. Đặt bé ngồi trong ghế cao hoặc cũi khi bạn nấu ăn.
  • Để tất cả những đồ vật sắc, nhỏ hay độc hại trong một ngăn kéo an toàn.
  • Đặt thiết bị chữa cháy trong khu vực nhà bếp, phòng khi có hỏa hoạn.
  • Giữ các đồ uống có cồn xa tầm với của bé.
  • Nếu bạn sử dụng khăn trải bàn, hãy đảm bảo là bé không thể kéo khăn xuống - phòng trường hợp các đồ trên bàn rơi xuống người bé.
  • Đừng để bé chơi những túi nylon đựng rau quả hay quần áo giặt khô, bé có thể bị ngạt thở.
  • Đừng bao giờ sử dụng nước nóng từ vòi để pha sữa hay trộn thức ăn cho bé.
  • Cất đồ thủy tinh trong tủ cao bé không với tới được.
  • Đậy chặt nắp thùng rác sao cho bé không thò tay vào.
  • Đừng bao giờ mang nước, chất lỏng sôi đi qua người bé.
  • Đừng để bé nhặt những đồ vật sắc nhọn như kéo hay bút chì nhọn.
  • Để thuốc lá, bật lửa, gạt tàn và diêm xa tầm với của con bạn.
  • Khóa những cánh cửa tủ bếp ở dưới thấp và giới hạn khu vực an toàn trong nhà bếp. Bạn có thể chỉ cho con chơi trong khu vực này với thìa gỗ và bát không vỡ.
  • Đừng cho bé chơi ví của bạn, bé có thể nuốt những thứ nho nhỏ như đồng xu.

Trong phòng ngủ

  • Đừng để bé chơi với gối cho tới khi con bạn 1 tuổi (bé có thể ngạt thở khi bị gối đè lên lúc không có người trông).
  • Đảm bảo bé không thò tay vào các ổ điện (bằng các thiết bị nút ổ điện).
  • Để đồ trang sức nhỏ, nước hoa, dầu thơm, đồ đánh giầy, thắt lưng, khăn quàng và cravat xa khỏi tầm với của con.
  • Đừng bao giờ khóa bé lại trong phòng một mình.
  • Đảm bảo cửa phòng có thể mở được từ phía trong để những bé chập chững biết đi không khóa trái cửa lại.
  • Đừng để con bạn ngủ mà vẫn còn đeo yếm.
  • Để những cục pin nhỏ xa con bạn, chúng rất độc hại vì có thủy ngân và axit (Pin nhỏ như pin ở đồng hồ, đồ chơi, máy chơi game và những vật dụng nhỏ khác).

Trong nhà tắm

  • Đừng bao giờ để bé một mình trong nhà tắm vì bất cứ lý do nào. Chỉ một chút sơ ý bé cũng có thể dễ dàng bị chết đuối (vì sặc nước).
  • Sử dụng các thiết bị nút ổ điện để bé không bị giật.
  • Khi sử dụng bồn tắm, tắt vòi nước nóng trước tiên để bé không bị bỏng bởi nước nóng còn lại trong vòi.
  • Giữ thuốc, mỹ phẩm, dao cạo xa tầm với của bé.
  • Không bao giờ để ngập nước trong bồn rửa, để dao cạo trên thành bồn hay những chất keo dính ở đáy bồn.
  • Các bé có thể chết đuối trong bồn toilet, nếu bạn không có nắp đậy bồn cầu, hãy nhớ luôn đóng cửa nhà tắm lại.
  • Đừng bao giờ để những thiết bị điện gần khu vực có nước.

Cầu thang và hành lang

  • Lắp đặt máy báo khói và khí CO2 trong nhà bạn, mỗi tầng một cái.
  • Sử dụng các thiết bị nút ổ điện để bé không bị giật.
  • Khóa cửa ra vào cầu thang.
  • Hãy đảm bảo cầu thang và hành lang có đủ ánh sáng.
  • Luôn bám vào tay vịn khi bế con lên xuống cầu thang.
  • Lắp các cửa an toàn cho những khu vực như phòng tắm, bếp, phòng giặt và cầu thang (Những cửa an toàn không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, bé có thể mở cửa hoặc nuốt những vật nhỏ có ở cửa).
  • Lắp đặt lưới chắn cầu thang để bé không lọt qua các lan can

Những vật dụng nguy hiểm

  • Ổ điện: giấu đằng sau đồ gỗ hoặc lấy băng dính bọc lại.
  • Dây điện: đừng để dây lòng thòng và tránh xa tầm với của con bạn. Giấu chúng đằng sau tủ.
  • Cánh cửa: giữ cửa khóa và chốt rèm cửa lại. Đảm bảo không có lổ hổng hay khe hở nào.
  • Bàn ghế: bao bọc các góc nhọn lại.
  • Rèm mành: đừng để rèm cửa hay dây thưng đung đưa lòng thòng. Để cũi cách xa cửa có rèm.
  • Nền nhà: giữ nền nhà sạch và không trơn. Những đồ vật nhỏ có thể làm con bạn bị nghẹn.
  • Cửa sổ: dùng cửa sổ có song chắn bảo vệ ở những tầng cao. Đảm bảo các cửa sổ luôn được khóa.
  • Đồ gỗ: sửa lại những đồ gỗ lung lay và các mấu chốt cho thật chắc chắn. Đặt chúng sao cho không thể di chuyển và các ngăn chạn bát gần nhau.
  • Tường: sơn tường không có chì để tránh độc hại.
  • Rác thải: để rác ở những vật dụng có nắp đậy an toàn.
  • Những vật dụng khác: lắp các nắp đậy an toàn cho bất kỳ vật dụng nào trong tầm với của con bạn.