Dạy con 4 tuổi bớt nghịch ngợm

Con tôi năm nay lên 4 tuổi, rất nghịch ngợm. Bố, mẹ, ông, bà nói hoặc quát, cháu đều không nghe lời. Tôi yêu cầu con đi rửa chân, tay hoặc không nghịch ngợm nữa, cháu không bao giờ nghe lời. Phải làm như thế nào đây?

Con tôi năm nay lên 4 tuổi, rất nghịch ngợm. Bố, mẹ, ông, bà nói hoặc quát, cháu đều không nghe lời.


Tôi yêu cầu con đi rửa chân, tay hoặc không nghịch ngợm nữa, cháu không bao giờ nghe lời. Phải làm như thế nào đây?


Trả lời:

Chào bạn,
Rất nhiều phụ huynh cũng gặp tình trạng con không vâng lời ba mẹ như trường hợp của bạn, mặc dù cháu còn rất nhỏ. Thực tế cho thấy trong một điều kiện sống tương tự, có những em bé rất ngoan và có những em bé rất bướng bỉnh mặc dù các em có thể được yêu thương, quan tâm và chăm sóc giống nhau.


Thông thường các em bé thể hiện sự bướng bỉnh của mình đơn giản là v cảm thấy thiếu sự quan tâm của gia đình nên muốn làm như vậy để thu hút sự quan tâm. Có khi người lớn thấy thời gian quan tâm cho bé như thế là đủ, nhưng có thể các bé cần nhiều hơn.


Không biết con bạn được mọi người trong gia đình quan tâm như thế nào và bé có nằm trong trường hợp "bị thiếu quan tâm" nên phải dùng "chiêu" bướng bỉnh như thế không? Nếu có thì bạn nên lưu ý. Tuy nhiên tôi mong là bé con của bạn không nằm trong trường hợp trên. Vậy nếu bé được quan tâm đúng mực mà vẫn bướng bỉnh, không vâng lời ông bà, cha mẹ, bạn nên lưu ý một số điều như sau:


Trước tiên khi muốn con mình làm điều gì đó, bạn cần đưa ra thông tin cụ thể và rõ ràng. Trên thực tế rất nhiều trường hợp các em không làm theo lời ba mẹ là vì thông tin đưa ra không rõ ràng và thiếu dứt khoát. Bé chủ quan và cho rằng yêu cầu đó không quan trọng, không làm không sao, hay cứ từ từ thực hiện.


Tiếp đến bạn cần đưa ra lời cảnh báo cụ thể và có thời gian cho bé chuẩn bị kết thúc việc riêng bé đang làm, trò chơi bé đang chơi. Nhiều phụ huynh sau khi nói con đi rửa tay hay đi ngủ và bắt bé phải đi làm ngay. Thay vì vậy bạn nên nói với bé là "Con đi rửa tay rồi ăn cơm", đồng thời cho bé biết là "Con có thêm 5 phút nữa để chơi hay (dọn dẹp đồ đạc)". Có thể khoảng thời gian đó là do chính các em đưa ra, thời gian 5 phút hay 7 phút là tùy bé chọn. Sau đó bạn hãy căn đồng hồ cho bé biết khoảng thời gian này đã hết, và bạn nên cương quyết yêu cầu bé thực hiện điều mình đưa ra.


Một yếu tố quan trọng nữa là khi bạn yêu cầu con làm điều gì đó, ví dụ như đi ngủ sớm hay ăn tối, bạn không cần phải thể hiện ý muốn của chính mình, mà đó là giờ đi ngủ của bé, hoặc giờ ăn tối đã thống nhất trong gia đình rồi. Mọi người trong gia đình đều cần như vậy. Điều này sẽ giúp bé bớt cảm thấy bị áp đặt.


Ngoài ra khi cấm con bạn điều gì đó, để bé vâng lời, bạn cũng cần giải thích rõ ràng là vì sao cần có sự hạn chế đó để bé hiểu và cảm thấy dễ dàng chấp nhận mà không thấy quá bức xúc về những gì bé không được làm. Có nhiều phụ huynh đưa ra mệnh lệnh mà không cần giải thích nên nhiều bé không hiểu dẫn đến thái độ phản kháng.


Bạn cũng cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình để không bị cuốn theo những cảm xúc của trẻ, đặc biệt khi bé khóc hay làm nũng để đòi điều gì đó theo ý riêng. Bạn cần cứng rắn hơn với những gì các cháu đòi hay cần thực hiện, nhưng lại hết sức tỏ ra thân thiện và yêu thương bé. Chúng ta nên nhớ trong thương lượng, có một nguyên tắc quan trọng là cứng rắn với sự việc nhưng nhẹ nhàng và thân thiện, lịch sự với người mà mình cần thương lượng.


Một điều không kém quan trọng nữa là bạn cần thể hiện tình thương yêu, sự thân tình với bé và cần làm gương cho bé. Ví dụ khi bảo con phải vâng lời ba mẹ thì chính bạn cũng phải thể hiện điều đó. Khi bạn yêu cầu đứa trẻ đi rửa chân tay trước khi ngủ hay trước khi ăn, bạn cũng cầ làm phải gương cho bé và cùng đi với để dần tạo ra thói quen cho các em.


Nên nhớ, đừng quá vội vàng thay đổi bé theo ý muốn của mình, mà cần dùng nhiều cách thức khác nhau vì dù sao con bạn vẫn còn khá nhỏ, chỉ mới 4 tuổi. Bạn cũng không nên "dán nhãn" cho con mình là đứa trẻ bướng bỉnh, không ngoan hay những gì đại loại như vậy. Quan trọng là nên dùng những cách thức động viên, khuyến khích bé vâng lời cha mẹ hơn là bạo lực.


Cuối cùng, trong một số tình huống cần thiết, bạn có thể cũng phải có những hình phạt, nhưng phải phù hợp phương pháp giáo dục con hiện đại và phù hợp với Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thực tế cho thấy có nhiều phụ huynh một khi tức giận con cái là bỏ mặc các em, hay thậm chí tệ hơn là không cho con ăn uống gì.


Cách tốt nhất là bạn có thể phạt con bằng cách như "không cho đi siêu thị chơi hay đi chơi cuối tuần". Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, nhất định phải cho con cái ăn uống đàng hoàng vì đây là nhu cầu cơ bản.


Ngoài ra bạn không nên sử dụng hình phạt đánh đòn (trừng phạt thân thể) vì sẽ làm cho bé sợ và làm theo ý của bạn lúc đó, nhưng bài học tiêu cực mà bé học được khi bạn dùng bạo lực là: Sử dụng bạo lực khi muốn đạt được điều gì đó. Điều này là không hay chút nào và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của đứa trẻ về sau.


Trên đây là một vài lời gợi ý cho bạn, chúc bạn sớm thành công trong việc giáo dục con cái.