Những thần đồng dị nhân của Việt Nam

Đọc báo vanh vách nhưng không đọc được bảng chữ cái, không ăn cơm mà vẫn khỏe mạnh, học giỏi… là những đứa trẻ đặc biệt ở Việt Nam.

Thần đồng về lịch

Bé Phạm Tuấn Minh. Ảnh: Dân Trí.

Thần đồng 4 tuổi Phạm Tuấn Minh ở tỉnh Bắc Ninh được cho là có khả năng đặc biệt về lịch. Bé có thể đổi rất nhanh và chính xác từ ngày âm sang ngày dương và ngược lại. Chỉ cần đọc một ngày bất kỳ trong một năm bất kì, Minh có thể đọc ra ngày đó là thứ mấy chỉ trong vài giây.

Theo các chuyên gia, khả năng này trên thế giới chỉ mới ghi nhận được một trường hợp là bà Shakuntala Devi ở Ấn Độ.

Năm 2 tuổi, Minh đã thuộc lòng quốc kỳ các quốc gia trên thế giới và có khả năng nhớ một dãy số dài. Hiện bé có thể tính toán các phép tính cơ bản và đọc chữ thành thạo.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng Tuấn Minh là một em bé đặc biệt. Bản thân ông là một người làm về lịch, từng là tác giả của rất nhiều sách và công trình nghiên cứu về lịch nhưng không thể tính nhẩm ngày thứ như Minh. Theo ông, quy tắc lịch âm và lịch dương vô cùng phức tạp, hàng vạn, hàng triệu người mới gặp được một người như cậu bé Tuấn Minh.

Dị nhân không ăn cơm

Cô bé được mệnh danh là “dị nhân” nhưng lại có vẻ bề ngoài rất xinh xắn, đáng yêu này tên là Hồ Thúy Vy, 15 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long. Sở dĩ người ta gọi em là “dị nhân” vì từ lúc sinh ra em “sợ cơm như sợ cọp”.

Cha em cho biết hồi nhỏ mỗi khi cho con ăn cháo đều bị ói ra, nhiều lần anh chị thử bỏ đói con rồi ép ăn nhưng em vẫn không chịu ăn. Từ đó, em sống bằng hoa quả, sữa… Không chỉ sợ cơm, tất cả những đồ ăn có tinh bột như bún, phở, bánh canh, thậm chí là mỳ tôm nấu chín, Vy cũng đều tránh xa. Em chỉ ăn được mỳ tôm sống khi đói.

Những món ăn hàng ngày của Vy hầu hết là món chiên hoặc nướng như rau chiên, trứng chiên, cá chiên, thịt nướng.

Có sở thích ăn uống khác người nhưng Vy học giỏi, hát hay. 9 năm liền em là học sinh giỏi, 3 năm đạt giải Nhất cuộc thi kể chuyện Bác Hồ. Năm lớp 9 em đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Ngoài ra, Vy còn đạt nhiều thành tích, danh hiệu khi tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Tài lẻ đặc biệt của em là ca hát. Rất nhiều người ở Vĩnh Long biết đến em qua các chương trình ca nhạc trên truyền hình Vĩnh Long.

Được biết dù không ăn tinh bột nhưng cơ thể Vy vẫn khỏe mạnh bình thường. Bác sĩ cũng kết luận bé không có bệnh tật gì. Cha em cho biết năm nay Vy đã cao 1m6, nặng 45kg.

Đọc báo vanh vách nhưng không đọc được bảng chữ cái

Bé Bảo Huy và các cô giáo. Ảnh: Pháp luật & Thời đại.

Lúc hơn 3 tuổi bé Trần Bảo Huy (sinh năm 2007) mới chỉ biết nói vài từ đơn giản như: ba, mẹ… nhưng từ năm 4 tuổi, một ngày Huy giành đọc báo với bố khiến cả nhà ai cũng ngạc nhiên, không tin vào mắt mình.

Trước sự chứng kiến của nhiều người, bé Huy có thể đọc vanh vách cả một bài báo dài bất kỳ. Cậu bé cũng đọc được tất cả các chữ trong danh sách tên các bạn trong lớp. Nhưng rất lạ lùng là em không đọc được từng chữ cái A, B, C….

Cha em cho biết mãi đến hơn 3 tuổi cậu con trai mới bật ra được vài từ đơn giản. Cả nhà cứ nghĩ cậu bé bị dị tật hoặc bị bệnh gì nên không nói được. Anh chia sẻ, lần đầu tiên phát hiện con biết đọc chữ là khi đang ngồi xem tivi, bỗng dưng cậu bé đọc theo các chữ trên màn hình trong đoạn quảng cáo. Lúc đó anh chỉ nghĩ do xem nhiều nên bé nhớ, nhưng hôm sau khi anh đang ngồi đọc báo thì Huy chăm chú nhìn vào rồi đọc được nguyên cả bài báo cho bố nghe.

2 tuổi đọc chữ trơn tru

Bé Phạm Ngọc Bích, 2 tuổi.

Nhỏ tuổi hơn các thần đồng khác, bé Phạm Ngọc Bích ở Thanh Trì, Hà Nội biết đọc chữ khi mới 2 tuổi.

Được biết, bà nội của bé có dạy cho cháu nhận mặt chữ trong bảng chữ cái nhưng sau đó bé tự ghép vần để đọc chữ. Ngoài ra, Ngọc Bích còn biết phân biệt cách đọc số năm và số xe. Khi hát karaoke, bé cũng hát khá chuẩn theo chữ trên màn hình. Đây cũng là sở thích đặc biệt của Bích.

Trái ngược với nhiều phụ huynh khi biết con mình có những khả năng đặc biệt, mẹ bé Bích tỏ ra lo lắng khi con gái khác thường so với bạn bè cùng lứa. Chị lo khi đến tuổi đi học bé sẽ bị phân biệt đối xử.