1.Tại sao thói quen gọn gàng lại quan trọng?
Bạn mất bao lâu để tìm ra một món đồ trong không gian mình hay sử dụng? - Nếu được bố trí một cách gọn gàng và khoa học, thời gian chỉ là mấy giây. Nhưng nếu bạn bừa bộn thì sao? - 15 phút, 1 giờ đồng hồ, hay không bao giờ thấy được nó. Như vậy rõ ràng thói quen gọn sạch này tiết kiệm thời gian cho bạn và tránh việc mất mát, phải mua mới những đồ đạc bạn đã có rồi.
Với con trẻ, các bé thường thiếu kiên nhẫn hơn. Nên tổ chức đồ đạc và cuộc sống một cách gọn gàng sẽ giúp con dễ dàng đạt được thành tựu trong các nhiệm vụ kế tiếp hơn. Ví dụ như: thấy được chiếc kéo thì sẽ cắt được những bông hoa xinh đẹp; thấy được cuốn vở thì sẽ đi học đúng giờ và được cô giáo khen ngợi. Từ đó tâm lý của bé cũng sẽ thêm tự tin vào bản thân và duy trì thói quen gọn gàng.
2. Bắt đầu từ đâu?
Có một câu nói mà tôi rất thích đó là: "Khi bạn không biết bắt đầu từ đâu, thì hãy cụ thể nó từ những gì nhỏ nhất, ngay trước mắt bạn."
Nếu con đang tập ăn, hãy luyện thói quen ăn sạch bát và nhặt những mẩu thức ăn bé xíu mà con đánh rơi khi chưa thành thạo đôi tay mình.
Nếu con tập viết, hãy luyện sao cho con cất bút đúng vị trí, vở để gọn gàng, dọn sạch những vỏ bút chì vương vãi sau khi gọt.
Con bước chân về nhà, giày dép để đúng lên kệ.
Con chơi đồ chơi, các chi tiết phải được xếp vào hộp, cất đúng vị trí và không được đánh mất chúng. Nếu con đánh mất, từ lần sau trò chơi sẽ không trọn vẹn nữa.
Và nơi để cha mẹ bắt đầu gần nhất đó chính là bản mình. Trẻ con sẽ vô thức học theo tấm gương từ cha mẹ, những hình ảnh ấu thơ sẽ từng chút một được ghi dấu trong não các bé, để khi lớn lên con sẽ có khả năng cao hành xử như cha mẹ. Chính vì thế, nơi gần gũi nhất để bắt đầu, chính là bản thân bạn, vì là bản thân bạn nên cũng sẽ khó khăn vô cùng. Đặc biệt với những ai bị thói quen bừa bãi hành hạ, mà bạn muốn nó chấm dứt ở thế hệ các con.
3. Tạo ra không gian tổ chức
Việc tạo ra một không gian tổ chức không chỉ giúp trẻ dễ dàng tìm thấy đồ dùng mà còn khuyến khích thói quen gọn gàng. Hãy bắt đầu bằng cách sắp xếp đồ đạc theo từng khu vực cụ thể, chẳng hạn như khu vực chơi, học tập và ngủ. Sử dụng hộp đựng, kệ và nhãn dán để phân loại đồ chơi, sách và đồ dùng học tập. Điều này giúp trẻ nhận biết rõ nơi cất giữ mỗi món đồ và dễ dàng hơn trong việc dọn dẹp.
Nếu bản thân bạn chưa có ý tưởng gì với căn nhà nhỏ của mình thì hãy đi tham khảo những không gian mẫu trên mạng. Một kho ý tưởng đang chờ bạn đó.
Xem thêm Giá để đồ cho bé
4. Chơi mà học: Biến việc gọn gàng thành vui chơi có thưởng
Một trong những cách hiệu quả để khuyến khích trẻ nhỏ tham gia vào việc dọn dẹp là biến nó thành những trò chơi hấp dẫn. Việc dọn dẹp không còn là nhiệm vụ nặng nề, hãy tạo ra các hoạt động vui nhộn như "Cuộc đua dọn dẹp" hoặc "Thử thách tìm đồ vật". Ví dụ, bạn có thể hẹn giờ và xem ai dọn dẹp nhanh hơn hoặc cho trẻ cải tiến lại cách dọn dẹp trước đây. Nhiều khi các phát kiến của bé sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.
Việc thêm yếu tố cạnh tranh hoặc phần thưởng nhỏ sẽ khiến trẻ cảm thấy hào hứng và vui vẻ hơn khi thực hành bài tập gọn gàng. Bằng cách kết hợp trò chơi vào quy trình dọn dẹp, trẻ không chỉ học được thói quen gọn gàng mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo. Hãy để trẻ trải nghiệm sự hứng thú và niềm vui khi giữ gìn không gian sống sạch sẽ!
5. Thời gian biểu cụ thể, trách nhiệm cụ thể
Con người ai cũng có thói quen trì hoãn, dù là cha mẹ hay chính các bé. Một quy định về khung giờ dọn dẹp được đề ra và thống nhất giữa cả gia đình sẽ đưa thói quen rèn luyện này đi được lâu dài hơn.
Ngoài ra với không gian riêng của con thì trách nhiệm giữ vệ sinh, gọn gàng cũng nên được cha mẹ trao cho con nhiều hơn. Từ thống nhất này lâu dần trẻ sẽ tăng thêm tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cuộc sống của chính mình.
6. Đánh giá và điều chỉnh thói quen
Với mỗi sự thành công nào đều phải đánh đổi thời gian và công sức, sự nỗ lực vượt qua những khó khăn, sai sót. Và nhiệm vụ xây dựng thói quen gọn gàng cho con cũng vậy. Cha mẹ không chỉ phải sửa con, rèn con mà cái khó khăn nhất là lấy mình làm gương. Những mục tiêu cao cả ấy, thì cả gia đình đều phải nhìn nhận lại và sửa đổi bản thân, nhiều lần là đằng khác.
Để tiện theo dõi và nhìn nhận về hành trình thì việc đề ra bảng theo dõi tiến độ và điều chỉnh những điểm bất cập rất quan trọng.
-
Kết luận
- Lợi ích của việc tạo thói quen gọn gàng là vô cùng to lớn: là thời gian quý báu, là sự cẩn trọng trong lối sống, là tiền đề cho sự tiến bộ trong mọi mặt cuộc sống của cả gia đình nói chung và trẻ em nói riêng. Chính vì thế mỗi gia đình đều nên tham gia vào công cuộc quý giá này.
- Trẻ em sẽ tiến bộ rất mau và thêm tin yêu cha mẹ khi được đồng hành, cùng tiến bộ, cùng động viên nhau trên hành trình xây dựng thói quen tốt này. Tôi xin chúc các bạn, mỗi gia đình đều rèn thêm cho mình được sự gọn gàng, sạch sẽ.