Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử là những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Do công việc bận rộn, quỹ thời gian eo hẹp khiến nhiều phụ huynh đành "giao phó" con mình cho các thiết bị điện tử. Chính vì thế thực trạng ngày nay, có rất nhiều trẻ em được tiếp xúc khá sớm với tivi, điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, việc này không chỉ gây "nghiện" mà còn dẫn đến nhiều tác hại tiêu cực đến trẻ.
Những tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ nhỏ
Nhiều bé do tiếp xúc quá sớm nên lâm vào tình trạng nghiện xem smartphone, tivi hay các trò chơi điện tử vô bổ. Các bé tập trung hết thời gian và sự chú ý vào các nội dung trên thiết bị công nghệ mà không hề để tâm đến các sự vật, hiện tượng diễn ra hàng ngày xung quanh cuộc sống thực. Điều đó làm bé phát triển không được tự nhiên và việc hình thành nhân cách của các bé bị ảnh hưởng. Không chỉ thế, các thiết bị công nghệ còn làm trẻ chậm chạp, ù lì và lười vận động dẫn đến béo phì, cận thị… Bé yếu về cả thể chất và trí tuệ.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo các chuyên gia về sức khỏe, phụ nữ mang thai và trẻ em không nên tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử. Vì chúng có chứa nguồn bức xạ tác động xấu đến sức khỏe.
Tác động đầu tiên dễ nhận thấy nhất chính là suy giảm thị lực và dễ mắc các bệnh về mắt. Bởi đôi mắt của trẻ rất yếu, không thể chịu đựng được cường độ ánh sáng mạnh của các thiết bị điện tử. Hơn nữa, trẻ nhỏ lại không ý thức được việc phải ngồi xa mà thường xuyên dán mắt vào màn hình. Điều này khiến mắt trẻ bị khô, mỏi mắt, thậm chí mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị...
Bên cạnh đó, trẻ thường có thói quen giữ nguyên một tư thế khi ngồi xem điện thoại. Điều này về lâu dài sẽ dễ gây ra tình trạng đau cổ, cổ bị lệch hay thoái hóa cột sống.
Ngoài ra các bức xạ của thiết bị điện tử còn có những ảnh hưởng xấu đến tim mạch, hệ thần kinh, làm suy giảm trí nhớ...
Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Không khó để bắt gặp những hình ảnh ba mẹ dỗ con ăn, dỗ con nín khóc bằng điện thoại thông minh. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ dễ cô lập bản thân với thế giới bên ngoài, ngại giao tiếp với mọi người, tạo khoảng cách với bạn bè, người thân trong gia đình.
"Nghiện" điện thoại, các thiết bị điện tử sẽ làm ảnh hưởng đến việc học hành, thậm chí còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh nguy hiểm như trầm cảm, mất tập trung, rối loạn hành vi...
Trước vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh đang quan tâm và lo lắng ở trên thì giải pháp chính là các trò chơi vận động, đặc biệt là vận động ngoài trời sẽ là các biện pháp thu hút, giúp bé "cai nghiện" điện thoại thông minh. Chơi đùa và vận động sẽ kéo bé trở lại với sự phát triển tự nhiên và sẽ là môi trường tốt để các bé giao tiếp và học hỏi cùng nhau.
Các lợi ích của đồ chơi ngoài trời giúp bé rời xa các thiết bị điện tử
Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng những món đồ chơi ngoài trời sẽ giúp bé năng vận động hơn, đem nhiều tác dụng tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Những trò chơi vận động ngoài trời giúp trẻ được hoạt động, thao tác và trải nghiệm, bé phải vận dụng trí tuệ để điều khiển và kiểm soát vận hành trò chơi từ đó mà phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Các trường học ngày nay, đặc biệt là trường mầm non luôn bố trí và xây dựng các khu vui chơi ngoài trời cho trẻ. Nhờ vậy mà bé sớm hình thành được thói quen tốt cho sức khỏe. Học qua chơi là cách học rất tốt cho trẻ, trẻ học hỏi nhanh và khám phá được nhiều thông qua việc chơi đùa hàng ngày. Đồ chơi giúp trẻ phát triển hiểu biết và rèn luyện kỹ năng trong rất nhiều tình huống khác nhau.
Đồ chơi ngoài trời là yếu tố thúc đẩy các bé làm nhiều thao tác và hành động khác nhau nhờ đó rèn luyện thể lực cho trẻ. Chính vì vậy, bộ giáo dục khuyến khích các trường mầm non tích cực trang bị và nâng cấp các sân chơi ngoài trời cho bé. Ngoài ra, đồ chơi ngoài trời còn góp phần là giáo cụ giúp lồng ghép và nâng cao hiệu quả trong đổi mới phương pháp và chất lượng giáo dục.
Phụ huynh cần làm gì để trẻ tránh xa các thiết bị điện tử
Nhiều bé do mức độ nghiện đồ công nghệ cao nên khi cho bé tiếp xúc với các đồ chơi và trò chơi thực tế bé cảm thấy không có hứng thú và có cảm giác như bị người lớn ép buộc. Như thế sẽ gây cho bé nhiều ức chế và làm chậm quá trình hòa đồng trở lại bình thường của bé.
Vì thế, khi bé nghiện game và xem các thiết bị công nghệ cha mẹ không nên ngay lập tức cấm đoán mà hãy giảm dần nhịp độ và tần suất xem của bé. Đồng thời bố trí các lịch biểu tăng dần cho bé chơi với các trò chơi và hoạt động ngoài trời, đặc biệt nên thu hút thêm nhiều bạn nhỏ để tạo không khí đông vui và ganh đua giữa các bé. Như thế bé sẽ cảm thấy rất hào hứng và thú vị với các hoạt động tự nhiên, dần dần bé sẽ quên hẳn đi các trò game và các thiết bị công nghệ mà thôi.