Để giúp con bạn thật sự có được những kỹ năng hữu ích khi “làm nghệ thuật”, bạn nên thử những điều sau:
1. Không chỉ đạo công việc của bé hoặc cố gắng dạy bé phải làm như thế nào để vẽ, xếp hình hay làm một điều gì đó. Hãy cho bé những vật dụng cần thiết rồi bước qua một bên cho bé tự do sáng tạo.
2. Trải xuống nền nhà một vài tờ báo hoặc một tấm vải và để bé bày đồ lên trên. Bé có thể bừa bộn và sáng tạo trong giới hạn cho phép đó.
3. Để bé thoải mái sáng tạo và áp dụng những phương pháp mới, có thể rải muối ra mặt phẳng và cho bé vẽ bằng tay.
4. Thay vì hỏi “Cái gì vậy?” khi không thể nhận dạng được sản phẩm của bé, hãy nhận xét về màu sắc hay một điểm độc đáo nào đó, và mời bé giới thiệu về “công trình” của mình cho bạn hiểu thêm về nó.
5. Hỏi bé về những thứ mà bé thích liên quan đến nghệ thuật. Câu trả lời có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên, như là “màu vàng làm con cảm thấy hạnh phúc”.
6. Hỏi bé có muốn bạn ghi lại tên của bức tranh, hoặc muốn kể cho bạn một câu chuyện nào đó về bức tranh của mình không.
7. Treo tác phẩm nghệ thuật của bé một cách trang trọng ở một vị trí nổi bật trong nhà để nói với bé rằng, bạn đánh giá cao nó.
Một số trẻ không đủ kiên nhẫn ngồi vẽ hay xếp hình. Bạn không nên ép buộc mà có thể thử vào một ngày khác với những món đồ, những chất liệu khác. Đây có thể là vấn đề về việc tìm kiếm những phương tiện phù hợp để kích thích sự sáng tạo và lòng say mê của bé.
Cuộc sống của bạn
Bạn có thấy mình đang tốn một khoảng thời gian không ngắn vào cuối ngày chỉ để dọn dẹp, sắp xếp lại những món đồ chơi ở khắp nơi của bé về đúng chỗ? Không nên đâu. Trẻ 3 tuổi vẫn còn rất hứng thú với kiểu chơi quăng mọi thứ đi khắp nơi, và ngay ngày hôm sau bạn sẽ có thêm một đống hỗn độn khác. Tốt nhất là bạn nên đưa cho bé mỗi lần một ít đồ chơi thôi, việc dọn dẹp chúng cũng sẽ dễ thở hơn nhiều.