Năm học mới, ngành học Mầm non đẩy mạnh phổ cập trẻ 5 tuổi

Hôm 22/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014.

Hôm 22/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014.

 


Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội nghị với hình thức truyền hình trực tuyến, kết nối cùng 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố với trên 2000 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên Vụ GD Mầm non , lãnh đạo các Vụ, Cục, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo, các chuyên viên của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các quận, huyện của 63 tỉnh, thành trong cả nước tham dự.


Sau khi nghe báo cáo tổng kết năm học do Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh trình bày, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã phát biểu ý kiến thảo luận, tham luận. 16 ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều đồng tình nhất trí cao với nội dụng báo cáo tổng kết và có những đề xuất, góp ý làm rõ thêm tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của GDMN tại các địa phương.


Năm học 2012 - 2013 là năm thứ ba cả nước triển khai thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 theo Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ. Vượt qua nhiều khó khăn, nhiệm vụ PCGDMN đã được các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo nên bước phát triển mới cho bậc học này.


Đến nay trong cả nước đã có 13.741 trrường MN (trong đó có 12.098 trường công lập), tăng 295 trường so với năm học trước, Tỉ lệ huy động trẻ MN đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỉ lệ 23%, trẻ mẫu giáo đạt 86,5%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,7%.


Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên một bước. Điều kiện CSVC và thiết bị dạy học cũng đã được các địa phương ưu tên đầu tư, cải thiện. Toàn quốc hiện có 148.878 phòng học, tăng 14.252 phòng, số phòng học kiên cố đạt tỉ lệ 59,8%, tăng 11.866 phòng (2,5%), số phòng học tạm, học nhờ giảm đáng kể.


Có 2.608 nhà bếp được cải tạo và xây mới, nâng tổng số nhà bếp đúng qui cách lên, đạt tỉ lệ 81% (tăng 3,2%), có thêm 6.677 nhà vệ sinh được xây mới, đưa tỉ lệ nhà vệ sinh đạt yêu cầu lên 84%, 13.645 trường học có sân chơi (đạt 99,3%. Tỉ lệ nhóm/lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đạt 61%. Năm học này cả nước đã có thêm 485 trường MN được công nhân đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường chuẩn lên 3.331 trường (đạt 24,2%, tăng 3,2% so với năm học trước).


Hầu hết các trường MN đã thực hiện Chương trình GDMN mới, CBQL và GV tích cực ứng dụng CNTT vào quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ. Hơn 40.000 GV MN đã được tuyển dụng vào biên chế, gần 70% GV MN đã được đảm bảo chế độ, chính sách, yên tâm công tác, tâm huyết gắn bó với nghề.


Trong năm học mới 2013 - 2014, ngành GDMN đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các Sở GD&ĐT tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, trong đó đẩy mạnh Phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu.


Các Sở GD&ĐT cũng được yêu cầu thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng và tập trung chỉ đạo thực hiện "3 đồng bộ". Đó là đồng bộ xây dựng CSVC, đồng bộ về chế độ chính sách cho GV và đồng bộ chính sách hỗ trợ trẻ em đi học để đảm bảo công tác phổ cập đạt chất lượng thực chất, đúng tiến độ.


Một trong những nhiệm vụ quan trọng là củng cố xây dựng CSVC trường lớp, trang thiết bị để thực hiện phổ cập, tạo cơ hội tăng tỉ lệ huy động trẻ các độ tuổi đến trường trường, phấn đấu đạt ít nhất 24% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 87% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường. Mục tiêu phấn đấu được Bộ GD&ĐT cụ thể hóa là huy động được 95 % trẻ 5 tuổi đến trường và được học 2 buổi/ngày, trong đó 78% trẻ được ăn bán trú.


Ghi nhận những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những giải pháp tháo gỡ khó khăn của các tỉnh Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Gia Lai, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Hà Nội, Khánh Hoà, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế... qua đầu cầu trực tuyến và từ kết quả thảo luận của Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã tổng hợp, phân tích và chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến công tác phát triển GDMN còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đặt ra 4 vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo và nỗ lực triển khai thực hiện để chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em được nâng cao và công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đạt hiệu quả vững chắc, tránh chạy theo thành tích.