Kiểm tra độ an toàn của cũi
- Nệm: Giữa cạnh của cũi và nệm không được có khoảng hở vì bé có thể bị kẹt chân hoặc tay vào đó và bị thương. Chọn loại nệm phẳng được may theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nệm và cũi cùng bộ.
- Thanh chắn: Khoảng cách giữa các thanh chắn không được quá lớn để tránh trẻ bị kẹt tay, chân hoặc thậm chí là đầu vào giữa hai thanh chắn.
- Khóa: Cơ chế khóa và mở cũi rõ ràng để tránh nhầm lẫn. Khóa dễ sử dụng với người lớn nhưng an toàn cho trẻ nhỏ.
Không để thú bông trong chỗ ngủ của trẻ sơ sinh
Khi bé đã có thể huơ tay huơ chân cũng là lúc mẹ cần kiểm tra khu vực xung quanh chỗ ngủ của bé để đảm bảo không có vật dụng nào có thể vô tình phủ lên mặt khiến bé nghẹt thở. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột tử trẻ sơ sinh đặc biệt ở độ tuổi dưới 2. Điều này có thể không cần thiết nếu bạn luôn có mặt để “canh chừng” bé 24/24 nhưng khả năng này rất khó xảy ra đúng không nào? Do đó, tốt nhất là “dọn dẹp” sạch sẽ mọi thứ không cần thiết quanh chỗ ngủ của bé.
Chú ý đến vị trí đặt cũi
Đây có lẽ là yếu tố bị nhiều bố mẹ bỏ quên nhất hoặc thậm chí không hề nghĩ đến. Trẻ sơ sinh sẽ lớn nhanh vượt ngoài sức tưởng tưởng của bạn và chẳng mấy chốc mà bé có thể nắm lấy bất cứ thứ gì “lượn lờ” trong tầm tay của bé như dây kéo màn cửa, đồ chơi treo nôi, ổ điện… và gây tai nạn cho chính mình do té ngã, ngộ độc (nếu bé bỏ dị vật vào miệng) cùng nhiều nguy cơ tiềm tàng khác. Không được đặt cũi của bé ở cạnh cửa sổ vì bạn không biết khi nào thì bé có thể leo trèo đâu nhé.
Biết khi nào cần cho bé rời cũi
Khi bé đã bắt đầu đứng vững và leo trèo được, mẹ cần nghĩ ngay đến việc cho bé ra ngủ giường vì cũi đã không còn an toàn nữa, trẻ có thể thức dậy giữa chừng và trèo ra ngoài. Đa số các bé không ngủ cũi nữa ở khoảng 2 đến 4 tuổi tùy tốc độ phát triển và thói quen của từng trẻ. Bố mẹ cần quan sát sự phát triển kỹ năng vận động và thể chất của con để biết khi nào là thích hợp để cho bé nói lời tạm biêt với cũi trẻ em.