Những loại đồ chơi kích thích sự sáng tạo ở trẻ

Dù là bé trai hay bé gái, những món đồ chơi sau đây sẽ kích thích sự sáng tạo và trí thông minh của trẻ. Thay vì mua la liệt đồ chơi, mẹ hãy sắm cho con những món đồ “giá trị” nhé

Dù là bé trai hay bé gái, những món đồ chơi sau đây sẽ kích thích sự sáng tạo và trí thông minh của trẻ. Thay vì mua la liệt đồ chơi, mẹ hãy sắm cho con những món đồ “giá trị” nhé:

Bảng và bút dạ
Với một cái bảng trắng và chiếc bút dạ, bé có thể vẽ cả thế giới. Mẹ đừng coi thường khả năng của bé, không bao giờ là quá sớm để trẻ làm quen với bút và bảng vẽ. Khi bé nhận thức được mọi vật xung quanh và có thể cầm nắm đồ chơi, cũng là lúc bé có thể cầm bút nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên. Nếu giấy và bút màu khiến bé khó khăn trong việc điều khiển tay, thì bảng và bút dạ - vốn to hơn bút sáp - sẽ khiến bé thao tác nhanh hơn. Dù bé chỉ vẽ linh tinh trên bảng trắng, nhưng điều này giúp phát triển khả năng nhận thức và kỹ năng vận động ở trẻ. Có rất nhiều bé lên 3 tuổi nhưng đã tự mình hoàn thành những bức hình đầy màu sắc và cá tính, đó là những đứa trẻ được mẹ trao cho cây bút và tấm bảng/ tờ giấy từ rất sớm.

Đất nặn
Bé có thể chơi đất nặn từ 2 tuổi. Để đảm bảo sự an toàn cho bé, mẹ có thể tự làm đất nặn bằng bột mì và màu tự nhiên. Với khối đất nặn trong tay, bé có thể tự mình tạo nên các hình khối vuông, tròn, các con thú,… các hình thù ngộ nghĩnh theo trí tưởng tượng của bé. Đất nặn cũng kích thích kỹ năng vận động của cơ tay, cơ mắt và trí tuệ. Việc nặn ra được các khối hình, con sẽ nâng cao nhận thức và rèn luyện trí óc và cách tư duy. Mẹ cũng có thể chơi cùng con, hướng dẫn bé nặn những hình khối từ đơn giản đến phức tạp. Đất nặn cũng là món đồ giữ con ngồi yên, bớt nghịch phá

Các hình khối và trò xếp hình

Các hình khối nhiều màu, đủ hình dáng, kích cỡ bằng gỗ, hay bằng nhựa sẽ khiến bé vô cùng hứng thú. Từ những hình khối này, bé có thể xếp chồng lên nhau, hoặc xếp thành những mô hình ngộ nghĩnh. Với các miếng lắp ghép, bé có thể lắp ghép đủ thứ theo hình dung và sở thích của bé. Hình khối và các miếng lắp ghép sẽ kích thích tốt nhất hứng thú và sức sáng tạo của trẻ. Khi con lắp ráp xong một mô hình nào đó, mẹ hãy hỏi con xem đây là gì và vì sao con lại ghép như vậy. Bất cứ “sản phẩm” nào được tạo ra cũng có lý do của nó, và bé sẽ cho mẹ biết bí mật này.


Sách truyện
Kể cả khi mẹ không hay đọc sách, nhưng các bé thì rất mê sách, nhất là những cuốn sách nhiều hình ảnh. Bé có thể nhìn hình và đoán nội dung, cũng như kể lại nội dung câu chuyện theo trí tưởng tượng của con. Trước khi bắt đầu đọc truyện đó cho con, mẹ có thể cho con xem hình rồi để con tự biến tấu ra một câu chuyện khác thú vị. Mẹ sẽ phải ngạc nhiên trước khả năng sáng tác của bé, bé có thể không đọc được chữ trong truyện, nhưng con có thể nói một cách làu làu tiết tấu của truyện. Sẽ thật tuyệt vời nếu mẹ duy trì thời gian đọc truyện buổi tối trước khi đi ngủ cho bé, bé sẽ phát triển ngôn ngữ và trí tưởng tượng rất tốt.

Những câu đố vui
Bé từ 2 tuổi trở lên có thể làm quen với các câu đố đơn giản, ví dụ: “Củ gì đo đỏ, con thỏ thích ăn?” (củ cà rốt). Bé từ 3 tuổi trở lên cực kỳ hứng thú với các câu đố. Mẹ có thể cho trẻ tập giải những câu đố để kích thích tư duy của trẻ. Có thể dùng cách đọc cho trẻ nghe những câu đố và lời giải, sau đó kiểm tra lại để luyện cho bé có trí nhớ tốt.