Thừa chung cư, thiếu trường học

Trong khi hàng loạt dự án khu đô thị, chung cư cao cấp đã và đang được các cấp lãnh đạo huyện Hoài Đức phê duyệt để đi vào xây dựng và hoạt động thì có một thực tế đáng buồn là số lượng học sinh tăng mạnh qua các năm, nhưng nhiều trường học ở các khu đô thị này (theo như quy hoạch) vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Không ít người dân lo lắng vì không biết con em mình sẽ học tập ở đâu khi họ chuyển về sinh sống ở các khu đô thị đó.

Ì ạch chuyện xây trường ở các khu đô thị
Kể từ khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào địa phận thủ đô Hà Nội ngày 1/8/2008, bộ mặt nông thôn của Hoài Đức đã có nhiều thay đổi. Hoài Đức trở thành một cửa ngõ của thủ đô với nhiều tuyến huyết mạch giao thông quan trọng như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ (QL) 32, các trục tỉnh lộ 422, 423 và nhiều dự án như đường vành đai 4 và các khu đô thị mới mọc lên. Đa phần diện tích đất nông nghiệp của người nông dân đã được Nhà nước thu hồi để phục vụ cho việc xây dựng hàng loạt các khu đô thị, chung cư trên địa bàn huyện Hoài Đức.


Thế nhưng, kể từ khi các dự án đi vào triển khai xây dựng trên địa bàn các xã thì mới có duy nhất một khu đô thị Bắc QL 32 (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) là đang triển khai xây dựng một điểm trường. Còn các dự án khu đô thị khác thì mặc dù trong bản quy hoạch thiết kế nộp các cấp lãnh đạo huyện và thành phố có đề xuất đến hệ thống điện, đường, trường, trạm... liên quan đến các khu dân cư, đô thị mới nhưng đã 5-6 năm nay, các ngôi trường vẫn đang nằm yên vị... trên giấy.


Một lớp học ở Trường mầm non Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội)


Bà Nguyễn Thị Lan Anh (Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân thì với các khu đô thị sẽ được xây mới trên địa bàn huyện Hoài Đức, chúng tôi đã tham mưu, đề xuất rằng trong các khu đô thị phải có xây dựng hệ thống trường học để đáp ứng dân số cơ học khi chuyển về sống ở các khu đô thị. Hiện tại, Hoài Đức cũng có một khu đô thị đã và đang xây dựng trường mầm non, đó là khu đô thị Bắc QL 32 với Trường mầm non Sơn Ca. Trong khu đô thị đó đã xây dựng hệ thống trường lớp có thể hoạt động và đón tiếp đủ lượng học sinh khi dân cư chuyển về sinh sống". Thế nhưng, khi được hỏi cụ thể về số lượng học sinh mà ngôi trường này sẽ có thể đáp ứng thì bà Phó trưởng phòng Giáo dục huyện lại không nắm rõ. Lý do bà đưa ra là không được dự đầy đủ các cuộc họp về dự án khu đô thị có quy hoạch xây dựng trường lớp (?!).


Cơ sở vật chất xuống cấp
Không chỉ khan trường, thiếu lớp ở các khu đô thị mới, ngành giáo dục huyện Hoài Đức còn phải đối mặt với tình trạng xuống cấp của hệ thống cơ sở vật chất ở các ngôi trường thuộc 4 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Hiện tại, huyện Hoài Đức có 69 trường công lập và 2 trường tư thục, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó có trên 43.000 học sinh và trên 2.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Số lượng học sinh có nhu cầu học tập chắc chắn sẽ tăng lên trong tương lai gần khi một lượng lớn dân cư chuyển về sinh sống ở các khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức.


Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có trường nào trên địa bàn huyện có đủ tiêu chuẩn để đạt được danh hiệu "Trường chuẩn quốc gia", kể cả những ngôi trường có tiếng về tỷ lệ đỗ đại học và thủ khoa cao như THPT Hoài Đức A, Hoài Đức B... Tại nhiều phòng học cấp 2 và cấp 3 vẫn tồn tại nhiều bàn ghế, giáo cụ trực quan đã cũ; nhà vệ sinh của giáo viên và học sinh vẫn còn tình trạng mất vệ sinh, mùa nắng nóng, mùi khó chịu thỉnh thoảng theo gió lùa vẫn phảng phất qua các lớp học, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của thầy và trò.


Tại Trường mầm non Yên Sở - một ngôi trường có khuôn viên khá khang trang rộng rãi số lượng trẻ ở một lớp cũng khá đông, từ 30-40 cháu/lớp trong hè; còn vào năm học, số lượng trẻ có thể tăng lên đến 40-50 cháu/lớp, trong khi mỗi lớp chỉ có 2 cô phụ trách. Ở các trường mầm non khác, điều kiện học tập, sinh hoạt của các cháu vẫn chỉ ở mức trung bình, chưa tương xứng với mức kinh phí hàng nghìn tỉ mà thành phố và huyện đã bỏ ra để đầu tư. Áp lực phải đối mặt của các cô giáo và phụ huynh cho tình trạng quá tải này không hề nhỏ.


Trách nhiệm của lãnh đạo huyện và chủ đầu tư dự án?
Sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng trường lớp theo đúng kế hoạch của dự án ở các khu đô thị của Hoài Đức có một phần trách nhiệm của cả chủ đầu tư và lãnh đạo huyện. Ông Nguyễn Phan Minh (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức, Hà Nội) thừa nhận: "Hạ tầng trong quy hoạch giữa nông thôn và khu đô thị thì đủ nhưng khi đi vào triển khai thực hiện thì không phải khu đô thị nào cũng xây dựng đầy đủ trường lớp. Ngay cả chủ đầu tư của các dự án khu chung cư, đô thị lớn như Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Vân Canh... đến giờ vẫn còn chưa triển khai xây được trường để phục vụ cho dân. Lý do cũng bởi đang ở vào thời buổi khủng hoảng kinh tế, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu mua nhà của nhân dân giảm mạnh. Các chủ dự án của các khu đô thị trên địa bàn huyện cũng đang phải vật lộn với tình trạng làm ăn khó khăn này, hiện họ vẫn còn nợ khoảng 600 tỉ tiền thuế cho Nhà nước".


Trong khi đó, các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện và thành phố vẫn chưa thật sát sao trong công tác thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các công trình, dự án treo, chậm tiến độ triển khai xây dựng và hoàn thành các công trình trường lớp, hạ tầng đi kèm với nhà ở trong các khu đô thị. Trong bản "Báo cáo về việc thực hiện rà soát tổng hợp việc đầu tư xây dựng các công trình trường học, hạ tầng xã hội thiết yếu trong và ngoài đô thị, khu tái định cư, khu nhà ở trên địa bàn huyện" của UBND huyện Hoài Đức gửi cho UBND thành phố Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội tháng 6 năm 2013 cũng đã nhắc đến vấn đề này trong phần 2.2. Về tiến độ xây dựng các công trình công cộng hạ tầng xã hội: "Cho đến nay trên địa bàn huyện có đô thị mới bắc QL 32 đang xây dựng 1 trường mầm non (hiện đã xây xong phần thô tầng 2) còn lại tại các khu đô thị mới, nhà ở mới trên địa bàn huyện, các chủ đầu tư mới chỉ tập trung xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, chưa có chủ đầu tư khu đô thị, nhà ở nào triển khai xây dựng công trình hạ tầng xã hội hoặc bàn giao quỹ đất xây dựng trường học cho địa phương quản lý".


Rõ ràng, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa tài chính và quản lý dự án. Dự án cứ đưa ra quy hoạch chung chung, khi đã xong rồi mới họp để điều chỉnh chứ không phải xuất phát từ thực tế nhu cầu của người dân rồi tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm... cho phù hợp nên tình trạng chậm trễ so với kế hoạch ban đầu là khó tránh khỏi. Về lâu dài, sự chậm trễ này ở các khu nhà ở, khu dân cư mới có thể gây khó khăn cho người dân sống trong các khu đô thị , đồng thời gây áp lực cho hệ thống hạ tầng ở các khu dân cư cũ trên địa bàn huyện Hoài Đức.


Tình trạng này đã gây bức xúc và trăn trở với không ít khách hàng và nhân dân có nhu cầu chuyển về sống ở các khu đô thị này. Chị Lê Thu Mai (khách hàng của một khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức) cho biết: "Gia đình tôi mới mua một căn hộ ở khu đô thị này nhưng hiện tại, hệ thống trường lớp, chợ búa... đi kèm với nơi chúng tôi sắp sống vẫn chưa được hoàn thiện. Tôi đang băn khoăn, không hiểu sẽ cho con mình học ở đâu nếu như chủ đầu tư dự án không sớm hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm giống như trong quy hoạch và hợp đồng đã ký với khách hàng chúng tôi khi rao bán căn hộ ở khu đô thị này".


Thiết nghĩ, đã đến lúc chủ đầu tư dự án khu đô thị và lãnh đạo huyện Hoài Đức cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng chậm trễ trong việc triển khai xây dựng trường lớp đi kèm với các khu chung cư, đô thị cao cấp để nhân dân thấy xứng với đồng tiền đã bỏ ra và sớm hoàn thành giấc mơ "an cư" trước khi tính đến chuyện "lạc nghiệp".